Trách nhiệm nào cho việc di dời các tòa nhà cũ

Gần đây Sở Xây dựng Hà nội đã đưa ra danh mục công trình ở mức nguy hiểm cần khoanh vùng chi tiết, chống đỡ, sơ tán tạm thời nếu thấy cần thiết. Theo danh sách này, có tới 133 công trình được nêu tên khiến nhiều người giật mình. Vậy trách nhiệm của chủ sở hữu, đơn vị quản lý sử dụng công trình trong việc chủ động sửa chữa, bảo đảm chất lượng đang ở đâu?

Khó khăn từ việc dân không chịu di dời

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đưa ra con số giật mình. Theo đó, qua kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ hiện trạng chất lượng của 603 danh mục công trình nhà ở, công trình công cộng cũ trên địa bàn Hà Nội, có tới 133 danh mục công trình trong tình trạng nguy hiểm, cần khoanh vùng chi tiết, chống đỡ, sơ tán người dân tạm thời nếu cần thiết, ưu tiên đánh giá khảo sát chi tiết. Đáng chú ý, còn 93 công trình chưa đánh giá được chất lượng do đã xây dựng lại, không xác định được vị trí và do chủ sử dụng, sở hữu không đồng ý.

Chung cư đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A, đường Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Ba Đình, được xếp vào nhóm D, mức độ nguy hiểm cao nhất có nguy cơ sụp đổ, gần 2 năm nay vẫn chưa di dời được các hộ dân. Mặc dù vậy, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Hầu hết các hộ đều đã cơi nới diện tích sử dụng, làm “chuồng cọp” nhô ra bên ngoài. Ở giữa 2 đơn nguyên là khe nứt hình chữ V, cao gần 1m, rộng khoảng 30cm. Ngay cạnh biển cảnh báo nguy hiểm ở lối vào cầu thang, yêu cầu các hộ dân không cơi nới trái phép và chủ động tháo dỡ để tòa nhà bảo đảm khả năng chịu lực, hàng quán, cửa hàng kinh doanh vẫn hoạt động bình thường.

Thực tế không chỉ đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A, trên địa bàn quận Ba Đình còn có nhiều công trình ở mức độ nguy hiểm cần phải di dời nhưng triển khai rất chậm, như nhà A tập thể Ngọc Khánh, tập thể Bộ Tư pháp phường Cống Vị và nhà C8 tập thể Giảng Võ. Lý giải về nguyên nhân chậm trễ, ông Ngô Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công cho biết, đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A có 49 hộ, đến nay mới có 12 hộ đồng ý di dời; phần nhiều chưa tán thành phương án đền bù và không đồng ý với đánh giá chất lượng công trình.

Theo ông Lê Trí Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, đối với các hộ đồng ý, cũng muốn nhận và sửa chữa xong nhà tạm cư, chuyển hết đồ đạc mới bàn giao căn hộ cũ nên quận cũng chưa tiếp nhận được mặt bằng. Hiện tại, các phường vẫn đang tiếp tục vận động người dân.

Kết hợp nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề

Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương rất khó áp dụng mệnh lệnh hành chính vì hầu hết chung cư cũ đều đã được bán và thuộc sở hữu hộ gia đình, cá nhân. Trong khi, để có sự đồng thuận, chủ sở hữu cần làm rõ, thống nhất được phương án hỗ trợ, tạm cư, tái định cư; cần được biết ai làm chủ đầu tư xây dựng lại, xây dựng trong bao lâu? Cũng dễ hiểu bởi bài học là nhiều nhà chung cư nguy hiểm đã di dời các hộ dân, nhưng mất nhiều năm vẫn chưa xây dựng xong, thậm chí còn thay đổi đến vài chủ đầu tư.

Đề cập đến việc xây dựng phương án tái định cư đối với các chung cư cũ, ông Hoàng Trung Thành, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân cho rằng cũng là một việc khó. Hầu hết, các hộ dân đều muốn tái định cư tại chỗ sau khi xây dựng lại công trình. Tuy nhiên, do là nhà cũ lịch sử để lại, nhiều hộ chỉ được phân 12 – 15m2. Nếu tính hệ số K = 1,5 thì mỗi hộ chưa được đủ 40m2, trong khi diện tích căn hộ nhỏ nhất sau cải tạo lại hơn 40m2 nên với những hộ gia đình thuộc diện khó khăn sẽ rất khó mua được nhà tái định cư tại chỗ nếu áp theo giá thị trường. “Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 11/278 nhà chung cư cũ chưa đáp ứng được các yêu cầu sử dụng, cần khảo sát, đánh giá chi tiết và đa số người dân đồng tình với việc cải tạo lại, nhưng băn khoăn nhiều về hệ số tái định cư tại chỗ áp dụng thế nào?” – ông Thành nói.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc xử lý chung cư cũ nguy hiểm cũng như cải tạo, xây dựng lại các tập thể cũ là vấn đề lớn của thành phố. Trong hội nghị kêu gọi đầu tư 2016, thành phố đã đề xuất 10 khu chung cư cần phải làm sớm và đã giao cho các chủ đầu tư nghiên cứu.

“Tuy nhiên, muốn cải tạo các khu chung cư cũ hiệu quả, theo tôi trước hết cần lập quy hoạch chi tiết trên cơ sở tuân thủ theo định hướng của quy hoạch chung, có sự thẩm định, tham gia ý kiến của cộng đồng, nhà khoa học. Vấn đề nảy sinh cấp bách hiện nay là các nhà chung cư nguy hiểm, cũng nên có nhiều cơ chế về tái định cư, ví dụ như để người dân tự tìm nơi tái định cư thích hợp hoặc khai thác quỹ nhà ở, bất động sản tồn đọng để sử dụng trong giai đoạn trước mắt” – TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Đó là những giải pháp về lâu dài, hiện tại, liên quan đến 133 danh mục công trình trong tình trạng nguy hiểm, để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị, chủ sở hữu, sử dụng cần thực hiện ngay các biện pháp an toàn, như hạn chế sử dụng, ngừng sử dụng công trình, di chuyển người và tài sản nếu thấy cần thiết. Đặc biệt, đối với trường hợp chủ sở hữu, sử dụng từ chối kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực công trình, nếu xảy ra sự cố, chủ sở hữu, sử dụng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Đó cũng là những phát sinh rất phổ biến gây khó khăn cho chủ đầu tư trong công tác quản lý tòa nhà. Vì vậy các nhà quản lý phải quyết liệt ngay từ ban đầu, truyền thông cụ thể tới cư dân, đưa ra các giải pháp cụ thể để cư dân yên tâm. Giải pháp phần mềm quản lý tòa nhà Landsoft Building sẽ giúp chủ đầu tư, các nhà quản lý giải quyết khó khăn này.

Nội dung liên quan

Các nội dung có thể bạn quan tâm

Chia sẻ cho mọi người!

Tất cả đều được chia sẻ để mang lại giá trị cho nhau