Hiện trạng nguồn nhân lực quản lý tòa nhà tại Việt Nam
Hiện tại, nhân lực trong quản lý tòa nhà ở Việt Nam đang ở tình trạng “chảy máu”. Nhân lực ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là với các vị trí đứng đầu các ban quản lý và các kỹ sư trưởng/kỹ thuật viên ngày càng hiếm.
Hiện trạng nguồn nhân lực
Thị trường vốn đã cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp muốn dành thị phần nên dùng mọi biện pháp để giảm chi phí, trong đó có nhân công, cho nên dẫn đến chế độ đãi ngộ thấp. Và thế là nhiều người sẽ ở tình trạng “đứng núi này, trông núi nọ”, một số người có trình độ cao sẽ bị các doanh nghiệp lớn hơn thu hút, hoặc “câu kéo”; một số sau thời gian làm việc nhất định ở các vị trí thấp, khi đã tích lũy được kinh nghiệm muốn “nhảy” qua các doanh nghiệp khác để có vị trí tốt hơn hoặc thu nhập cao hơn. Dẫn đến các ông chủ, bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp yếu thế hết sức vất vả trong vấn đề tuyển dụng và sắp xếp nhân sự, khó khăn chồng chất khó khăn.
Vấn đề này có thể giải quyết được hay không một phần là do các ông chủ doanh nghiệp, nhưng quan trọng hơn cả là cần có vai trò của một HIỆP HỘI để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và điều tiết, tạo ra bố trí được nguồn nhân lực có chất lượng cao và phù hợp đối với các doanh nghiệp, đối với từng dự án cụ thể.
Một thực tế mà ai cũng phải công nhận là: Những công ty VN hoàn toàn có thể quản lý những tòa nhà lớn, dự án lớn. Đó là chưa kể những lợi thế so với các công ty nước ngoài về ngôn ngữ, am hiểu phong tục tập quán của người Việt. Nhưng thực tế thì không phải hoàn toàn như vậy, các “miếng bánh ngon” được dành cho số ít các công ty nước ngoài, không thì sẽ đến tay các doanh nghiệp lớn, “có số má”. Còn những dự án nhỏ, khó nhằn sẽ dành cho phần nhiều các doanh nghiệp còn lại.
Cần một kế hoạch thay đổi
Ngoài sự tích tụ vật lực, chúng ta phải tập trung xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng cao, để có thể quản lý vận hành các dự án lớn hơn. Điều này cũng còn phụ thuộc vào thái độ của các chủ đầu tư, quá chú trọng về việc lựa chọn số ít doanh nghiệp quản lý vận hành danh tiếng để nâng cao giá trị bất động sản, nên “bỏ quên” các doanh nghiệp Việt Nam. Kinh nghiệm rất cần thiết, nhưng đôi khi sẽ tạo ra các “lối mòn”, thậm chí là sự bảo thủ, lạc hậu. Đôi khi quy trình hoạt động quá cao cấp, chuẩn mực, quá chặt chẽ… sẽ dẫn đến bộ máy nhân sự cồng kềnh không cần thiết; và các doanh nghiệp danh tiếng sẽ có chi phí quảng cáo, maketing lớn hơn các doanh nghiệp khác. Cho nên các chủ đầu tư khi lựa chọn doanh nghiệp quản lý vận hành ngoài danh tiếng còn lưu ý đến bài toán chi phí. Bởi thực tế vừa qua có nhiều tranh chấp xảy ra có liên quan đến việc thu phí dịch vụ quá cao so với chất lượng, đôi khi do chủ đầu tư “cố” thuê đơn vị có danh tiếng để nâng cao thương hiệu, trong khi đó hoàn toàn có thể thuê đơn vị khác với giá trị thấp hơn mà có chất lượng tương đương.
Mỗi người chúng ta hãy hành động: hệ thống quản lý tòa nhà ở Việt Nam rồi sẽ do người Việt Nam làm chủ! Và nhân lực quản lý tòa nhà của chúng ta, cũng sẽ vươn tầm Quốc tế. Đó không chỉ là niềm hy vọng, mà sẽ là những hành động quyết liệt, thiết thực biến giấc mơ thành hiện thực!
Nội dung liên quan
Các nội dung có thể bạn quan tâm
Chia sẻ cho mọi người!
Tất cả đều được chia sẻ để mang lại giá trị cho nhau