Nên công nhận quản lý tòa nhà là một nghề
Trước sự phát triển của nền kinh tế, các tòa nhà mọc lên với thiết kế kiến trúc, trang thiết bị hiện đại, đòi hỏi công việc vận hành, quản lý một tòa nhà chuyên nghiệp trở nên cấp thiết. Muốn vậy, phải có nhân sự vận hành, quản lý tòa nhà một cách có hiệu quả. Tại Việt Nam, quản lý tòa nhà mới được biết đến, trong khi các nước có cơ cấu hạ tầng phát triển đã trở thành chuyên ngành đào tạo trong lĩnh vực này.
Dịch vụ quản lý bất động sản tại Việt Nam chưa mang tính chuyên nghiệp cao; dịch vụ quản lý các cao ốc tại Việt Nam vẫn chưa được xem là một nghề, trong khi ngành công nghiệp bất động sản chuyên nghiệp đòi hỏi nhu cầu cao hơn về kiến thức và dịch vụ. Tuy nhiên, một khi thị trường có nhu cầu thì cung cũng theo đó mà phát triển và đó là lý do, dù chưa được xem là một nghề nhưng quản lý tòa nhà hiện đã được nhiều người quan tâm.
Việc quản lý, vận hành tòa nhà đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, kỹ năng như kỹ thuật như điện, nước, các quy định cũng như thủ tục về điều kiện PCCC, quy định về pháp lý, hợp đồng thuê và nhiều vấn đề không tên phát sinh khi vận hành một tòa nhà. Song tại Việt Nam, vẫn chưa có chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường vì nội dung giảng dạy chưa thực tế, người được đào tạo cần được cọ sát thực tế.
Bên cạnh đó, nghề quản lý tòa nhà chưa được xem là một ngành nghề cần được đưa vào giảng dạy, mọi sự hiểu biết, kiến thức mà người làm quản lý tòa nhà có được đa phần đều do truyền miệng, người đi trước hướng dẫn cho người đi sau và chưa có giáo trình bài bản trong lĩnh vực này.
Trong dịch vụ quản lý bất động sản cần phải chia nhỏ và đánh giá từng yếu tố như: quản lý bất động sản, quản lý thiết bị tiện nghi và quản lý tài chính. Còn chuyên viên quản lý tòa nhà phải có các kiến thức về: tài chính, tiếp thị, luật và kỹ thuật. Và đội ngũ quản lý tòa nhà cần tham gia dự án ngay trong giai đoạn xây dựng để có thể thiết lập được hệ thống quản lý cũng như cơ cấu nhân sự.
Dựa vào các tiêu chí trên, cộng với những chia sẻ từ người làm nghề quản lý tòa nhà, nếu bạn muốn trở thành giám đốc (trưởng ban) quản lý tòa nhà thì phải nắm rõ các kiến thức về mọi lĩnh vực để có thể vận hành hệ thống từ phần mềm cho tới nhân sự một cách trôi chảy. Ngoài ra, bạn còn phải có các kỹ năng lên kế hoạch, cũng như biết cách triển khai công việc đúng tiến độ. Đồng thời phải có kỹ năng quản lý ngân sách, đàm phán với nhà thầu, nhà cung cấp, sự chu đáo, óc quan sát sắc bén để đào tạo, khuyến khích nhân viên làm việc bên cạnh kỹ năng thương thuyết với khách hàng và có khả năng chịu áp lực cao. Còn nếu chỉ là nhân viên, yêu cầu về kiến thức cũng như trách nhiệm công việc sẽ nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, dù đảm nhiệm vị trí nào, nếu muốn làm trong ngành quản lý tòa nhà, bạn cũng phải có kỹ năng thuyết trình, giao tiếp tốt, nhanh nhẹn, nhạy bén trong công việc, chịu được áp lực công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng làm việc độc lập.
Yếu tố để một công việc được coi là một nghề:
- Khi nó là một công việc đòi hỏi người thực hiện làm toàn thời gian.
- Khi trường đào tạo đầu tiên về công việc đó được thành lập.
- Khi một hiệp hội nghề nghiệp địa phương/quốc gia được thành lập.
- Khi bộ quy tắc quy tắc đạo đức nghề nghiệp, gồm các quy tắc ứng xử được thông qua.
- Khi đạo luật liên bang/quốc gia về nghề nghiệp đó được thiết lập, thông qua.
Nếu xét theo khái niệm trên, thì công việc quản lý tòa nhà chưa được coi là một nghề. Để nghề quản lý tòa nhà tròn chịa có hai vấn đề bức thiết được đặt ra. Một là, cần xây dựng hệ thống đào tạo nghề, trong đó chú trọng việc đào tạo lý thuyết gắn liền với thực hành. Hai là, cần xây dựng Hiệp hội quản lý tòa nhà Việt Nam và các địa phương.
Chỉ có như vậy, thì quản lý tòa nhà mới được công nhận là một nghề và chúng ta, những người hành nghề quản lý tòa nhà Việt Nam mới không bị yếu thế ngay trên sân nhà như hiện nay. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải hành động!
Nội dung liên quan
Các nội dung có thể bạn quan tâm
Chia sẻ cho mọi người!
Tất cả đều được chia sẻ để mang lại giá trị cho nhau