Chứng chỉ BER và thị trường tiềm năng của Công trình xanh

BER (Building energy rating certificate) là chứng chỉ đánh giá sử dụng năng lượng tổng thể của tòa nhà gần giống với khái niệm công trình xanh tại Việt Nam

công trình xanh, chứng chỉ BER

Chứng chỉ BER và thị trường tiềm năng của Công trình xanh

Chứng chỉ BER và thị trường tiềm năng của Công trình xanh

BER (Building energy rating certificate) là chứng chỉ đánh giá sử dụng năng lượng tổng thể của tòa nhà với các mức từ A – G (G là mức thâp nhất và A1 là cao nhất, tương tự như chứng chỉ sử dụng năng lượng trên tủ lạnh). Tại một số nước phát triển, đặc biệt là Ireland, người thuê hoặc mua nhà có quyền yêu cầu cung cấp chứng chỉ này. Tại Việt Nam, các công ty nước ngoài khi thuê văn phòng cũng thường quan tâm đến chỉ số này tại các tòa nhà Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam gần như không có chứng chỉ hay tiêu chuẩn nào liên quan đến BER, chủ đầu tư Việt thường lại thường lưu ý đến một khai niệm gần khác đó là Công trình xanh

Chứng chỉ BER với thang đo

Công trình xanh (Green Building) – danh từ ngày nay đã quá quen thuộc trên thế giới – là những Tòa nhà được xây dựng thân thiện với thiên nhiên, khi vận hành không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực và đô thị, giảm nhiều nhất tiêu thụ năng lượng hóa thạch, nhờ đó giảm phát thải khí CO2, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước và tạo được môi trường sống tốt nhất cho con người và mọi loài sinh vật.

Các loại tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh

Tại Việt Nam hiện đang có một số đơn vị tư vấn đánh giá công trình xanh. Đó là Hội đồng công trình xanh Việt Nam đánh giá theo tiêu chuẩn Lotus; Tổ chức tư vấn của Mỹ đánh giá theo tiêu chuẩn Leed; Tổ chức tư vấn của Singapore đánh giá theo tiêu chuẩn Green Mark; Hội Kiến trúc Việt Nam bình chọn và cấp chứng nhận Giải thưởng kiến trúc xanh; Tổ chức IFC thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới cũng đã tham gia thị trường và cấp chứng nhận công trình xanh cho một số công trình theo tiêu chuẩn Edge.

Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 61 công trình xanh ở các giai đoạn khác nhau (trong đó có 36 dự án theo chứng nhận LEED (Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ – USGBC), 13 dự án theo chứng nhận LOTUS (Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam – VGBC) và khoảng 12 dự án theo chứng nhận Green Mark (Bộ Xây dựng Singapore – BCA)). Con số này được nhìn nhận là thấp so với hơn 2100 dự án tại Singapore (theo chứng nhận Green Mark) hoặc hơn 750 dự án tại Úc (theo chứng nhận Green Star), do các điều kiện đặc thù tại Việt Nam. Tuy vậy, thị trường Công trình Xanh tại Việt Nam vẫn được đánh giá tiềm năng với rất nhiều cơ hội phát triển trong những năm tới.

Công trình xanh

Một dự án Công trình Xanh đã bàn giao tại HCM

Và đương nhiên, mỗi tiêu chuẩn có những quy định, đánh giá, công nhận và xếp hạng công trình xanh khác nhau. Hệ thống chứng nhận Lotus chú trọng đánh giá các tác động tiêu cực tới môi trường, việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, mức độ tiện nghi của người sử dụng trong các giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành…

Trong khi đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chứng nhận kiến trúc xanh theo 5 nhóm tiêu chí gồm: địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng luợng hiệu quả; chiến lược môi trường trong nhà; kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội - nhân văn bền vững.

Với quan điểm để phù hợp với đa số các chủ đầu tư tại một thị trường phát triển như Việt Nam và để khuyến khích đa số các công trình trên thị trường hướng tới phát triển xanh, IFC áp dụng tiêu chuẩn Edge mà tự nhận là một công cụ đơn giản, nhanh chóng và hợp túi tiền hơn. Theo đó, Edge tập trung đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên trong công trình. Chỉ cần công trình có các giải pháp tiết kiệm từ 20% năng lượng, nước, vật liệu... trở lên là đã đủ tiêu chuẩn tiếp cận với chứng chỉ công trình xanh Edge.

Như vậy là cho đến nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn công trình xanh quốc gia.

Biến đổi khí hậu trái đất đang diễn biến ngày một trầm trọng hơn. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ là một trong ba quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này. Hơn 100 quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực hành cuộc “Cách mạng công trình xanh” trong lĩnh vực xây dựng để cứu Trái đất. Chúng ta không thể đứng ngoài, mà phải tiến hành ngay để cứu Trái đất và cứu chính đất nước ta.

Cho nên Bộ Xây dựng cần đứng ra nhận trách nhiệm trọng đại này. Bộ Xây dựng chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức có hệ thống đánh giá công trình xanh hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Xây dựng nên giao nhiệm vụ cho một vụ chức năng thành lập tổ chức phát triển công trình xanh. Đơn vị này có chức năng soạn thảo để Bộ ban hành thông tư, quy định thúc đẩy phát triển công trình xanh; tổ chức thẩm định cấp giấy phép chứng nhận công trình xanh và ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh Việt Nam để công nhận, đánh giá công trình xanh, đô thị xanh. Tổ chức công trình xanh Việt Nam nên có đại diện thành viên của một số hội nghề nghiệp như Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam… Chỉ có sự thúc đẩy của chính quyền mới đẩy nhanh được tiến độ. Đó cũng là kinh nghiệm của Đài Loan. Cần có ngay một bộ máy – một cơ quan riêng thuộc Bộ – lãnh đạo phong trào này, theo mô hình BCA của Singapore.

Tiếp theo, cần ban hành ngay “Hệ thống tiêu chí công trình xanh Việt Nam” đã được Hội đồng khoa học Bộ Xây dựng phê duyệt. Không những thế, còn phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng các Hệ thống tiêu chí đánh giá riêng biệt cho mỗi loại công trình, như các nước đã làm. Tại Mỹ đã có 12 Hệ thống đánh giá cho các loại công trình xây dựng. BCA Singapore còn có cả Hệ thống đánh giá cơ sở hạ tầng, đặc biệt đánh giá các công viên (hiện có và mới).

Thông thường sau 3 – 5 năm các Hệ thống đánh giá công trình xanh sẽ được điều chỉnh nâng cấp cho phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế và xây dựng của đất nước.

Để khuyến khích phong trào công trình xanh, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, như giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ưu tiên cấp phép xây dựng, có giải thưởng trong giai đoạn đầu thực hiện và cả sự tôn vinh của xã hội. Theo kinh nghiệm nhiều nước, những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, nhưng sau đó phong trào sẽ lớn mạnh nhanh chóng.

công trình xanh không phải là một cuộc thi công trình xây dựng, mà là một phong trào trong toàn lĩnh vực xây dựng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể góp sức cùng toàn thế giới chống lại Biến đổi khí hậu.

Thị trường Công trình Xanh tại Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội

Một số hạn chế khác cũng đã tồn tại và cản trở sự phát triển của công trình xanh tại Việt Nam. Điển hình như việc nhìn nhận thiếu đầy đủ của những bên liên quan về công trình xanh, đặc biệt là về chi phí xây dựng công trình xanh và khái niệm bền vững trong công trình. Các chủ đầu tư trước đây vẫn có quan niệm rằng chi phí xây dựng Công trình xanh thường yêu cầu thêm 20-30% chi phí đầu tư ban đầu, hoặc một số chủ đầu tư vẫn quảng bá các công trình “Xanh” nhưng thiếu các thông tin về hiệu quả sử dụng tài nguyên của công trình, cải thiện tiện nghi của người sử dụng và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Hơn nữa, việc các tiêu chuẩn xây dựng không được triển khai và tuân thủ nghiêm ngặt cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường công trình xanh và ngành xây dựng. Giới hành nghề xây dựng trong nước còn chưa được tiếp cận rộng rãi với các khái niệm, kỹ năng, công nghệ về thiết kế và xây dựng công trình xanh, khiến cho việc phát triển công trình xanh trước đây còn gặp phải không ít khó khăn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, “nhu cầu của thị trường” và “cơ hội thu hút khách hàng” đang dần trở thành một trong những động lực quan trọng để “xanh hóa” công trình, dự án, minh chứng bởi việc một dự án chung cư của Tập đoàn Phúc Khang – dự án trở thành dự án chung cư đầu tiên đăng ký chứng nhận LEED tại Việt Nam. Công trình President Place tại TP. Hồ Chí Minh (tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận LEED Vàng 2012) đã tận dụng lợi thế của chứng nhận Công trình Xanh để đạt được 80% tỷ lệ lấp trống khu vực văn phòng trong vòng 1 năm kể từ khi hoàn thành, với những khách hàng đến từ các tập đoàn lớn và đa quốc gia như Microsoft, Starbucks, Sony,…

Dự án Công trình Xanh đầu tiên President Place

Trái ngược hoàn toàn với quan niệm “Xây dựng Công trình Xanh rất tốn kém”, chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh trên thực tế chỉ dao động từ 1% đến 5%, phụ thuộc vào mức độ chứng nhận công trình xanh mong muốn và chi phí đầu tư ban đầu. Dựa trên nghiên cứu về các dự án công trình xanh tại Việt Nam, chi phí gia tăng trung bình là 1.8% đến 2%. Chi phí gia tăng này bao gồm chi phí cho việc thiết kế và nghiên cứu chuyên sâu, chi phí tư vấn chứng nhận công trình xanh và chi phí cho thiết bị, vật liệu phù hợp các yêu cầu của công trình xanh. Tại thời điểm hiện giờ, các sản phẩm và dịch vụ công trình xanh đã trở nên khá phổ biến tại Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhờ sự cải thiện và nâng cao nhận thức của thị trường địa phương.

Nhờ các tín hiệu tích cực, các nỗ lực từ phía các bên liên quan trong ngành xây dựng, thị trường xây dựng Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều tiềm năng và cơ hội để “đổi màu xanh”, dưới sự phối hợp chặt chẽ của chính phủ, khối học thuật và tư nhân. 

Nguồn tổng hợp Internet

Có thể bạn quan tâm?
  • phải
Tin mới